27 thg 3, 2013

BÀI VĂN VỀ "BỆNH VÔ CẢM" GÂY XÚC ĐỘNG SÂU SẮC

                           NGUỒN TỪ BLOG NGUYỆT ÁNH
Những câu văn của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 trường trung học Chu Văn An, Hà Nội, đã gây ấn tượng mạnh với người đọc không chỉ bởi đề tài em lựa chọn mà còn bởi cách hành văn rất tinh tế và sắc sảo. Bài văn được cô giáo cho 9,5 điểm với nhận xét : "Em có những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện tượng đáng buồn này. Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy sắc sảo như em thật đáng quý.”
-----------------------------------------

ĐỀ BÀI :
TRÌNH BÀY SUY NGHĨ CỦA EM VỀ MỘT SỰ VIỆC HOẶC HIỆN TƯỢNG Ở ĐỊA PHƯƠNG HOẶC TRƯỜNG, LỚP (ĐẶT NHAN ĐỀ CHO BÀI VIẾT)
                           BỆNH VÔ CẢM
Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn, làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các nhà khoa học đang "vò đầu bứt tóc" không biết làm sao có thể tạo ra một con chip "tình cảm" để khiến "những cỗ máy vô tình" biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân, mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội – bệnh vô cảm.
Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?
Trước hết là về cái đẹp, bây giờ ra ngoài đường, hiếm ai có thể bắt gặp một người đàn ông đạp xe ung dung dạo mát, thưởng ngoạn cái không khí trong lành, tươi mát dưới những hàng cây cổ thụ vàm bóng quanh bờ hồ ; một người con gái dịu hiền, yêu kiều trong chiếc váy thanh thoát tản bộ trên những con đường hoa sấu, hoa sữa đầy mộng mơ, mà hầu hết là những dòng người tấp nập, vội vã, chen lấn xô đẩy trên đường, xe buýt. Lúc ấy cũng chính là lúc mà con người ta mất một phần tâm hồn đẹp đẽ đã bị chôn vùi dưới lớp cát. Phải chăng cũng vì như thế mà họ càng lúc càng khép chặt cánh cửa trái tim mình lại, không còn biết hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền, đến công việc ngày mai?
Vô cảm với cái đẹp mới chỉ là bước đầu. Một khi người ta đã không biết ngưỡng mộ, không biết say mê, rung động trước những điều đẹp đẽ thì trái tim cũng dần chai sạn rồi đến đóng băng. Khi ấy, không chỉ là cái đẹp mà đứng trước những hành động ác độc, vô lương tâm, người ta cũng cảm thấy bình thường, không oán trách cũng không cảm thông, động lòng với những nạn nhân bị hại. Một tháng trước, tôi đọc được một bài báo trên mạng có đưa tin về vụ một đứa bé Trung Quốc hai tuổi bị xe tải cán. Thương xót, đau lòng làm sao khi nhìn cô bé đau đớn nằm trên vũng máu mà không một người nào qua đường để ý, cuống cuồng gọi cấp cứu. Họ nhìn thấy rồi đấy nhưng họ lại cố tình như không thấy, đi vòng qua cô bé để tiếp tục con đường nhạt thếch, sáo mòn của mình. Càng chua xót, đau lòng, phẫn nộ hơn khi chiếc xe tải tiếp theo nhìn thấy cô bé nằm đó, vẫn thoi thóp thở, bám víu lấy cuộc đời lại vô tình chẹt cả bốn bánh xe nặng trịch đi qua người cô bé, thản nhiên đi tiếp. Người qua đường vẫn thế, vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cô bé xấu số chỉ được cấp cứu khi một người phụ nữ nhặt rác đi qua, thấy cảm thông, đau lòng nên đã bế cô đi bệnh viện.
Có những con người ích kỷ, vô tâm, tàn nhẫn như vậy đấy! Không những thế, bây giờ ra đường gặp người bị cướp, bị trấn lột, bị đuổi chém nhưng lại không thấy anh hùng nào ra can ngăn, cứu giúp hay chỉ một việc nhỏ nhoi thôi là báo công an. Đó là những con người "không dại gì", và cũng chính "nhờ" những người "không dại gì" đó mà xã hội ngày càng ác độc, hỗn loạn. Chính lẽ đó mà căn bệnh vô cảm càng được thể truyền nhiễm, lây lan.
Vô cảm còn là con đường trực tiếp dẫn đến những cái xấu, cái ác. Nó là một căn bệnh lâm sàng mà trong đó, não của người bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Người ta đã vô cảm thì làm sao có thể thấu hiểu được nỗi đau, tình cảm của người khác? Người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích của riêng mình mà thôi. Nếu không vô cảm, tại sao các cô giáo ở trường mầm non lại nhẫn tâm giật tóc, đánh đập, bịt miệng các cháu bé còn ngây thơ, nhỏ tuổi? Tại sao một người còn chưa qua tuổi trưởng thành lại vô tư chém giết cả nhà người ta để lấy của cải ? Xa hơn nữa là các công chức bình thản ăn tiền ủng hộ, trợ giúp những số phận đau thương, bất hạnh của người dân để kiếm lợi cho riêng mình. Và còn nhiều, còn nhiều hành động xấu xa hơn nữa… Tất cả những điều vô lương tâm ấy đều xuất phát từ căn bệnh vô cảm mà ra.
Chúng ta biết, bệnh vô cảm vô cùng nguy hiểm nhưng lại đặt ra câu hỏi: Rốt cuộc thì nguyên nhân tại sao? Suy cho cùng, tình cảm là điều chi phối tất cả. Những người vô cảm là những người bị thiếu hụt tình yêu thương. Chính vì không cảm nhận được tình yêu thương mà người ta ngày càng lạnh giá. Một phần nữa cũng là do xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải làm việc, làm việc và làm việc, mà bỏ quên thời gian để trao nhau hơi ấm của tình thương, để ươm mầm cảm xúc.
Tình cảm như những hạt mưa, hạt mưa càng to, càng nặng thì càng dập tắt được những ngọn lửa của lòng thù hận, ghen ghét, bi ai và nó cũng như một ngọn lửa bùng cháy mãnh liệt trong tâm hồn để nuôi dưỡng tiếp nguồn sống cho chúng ta. Vì vậy, điều duy nhất chúng ta có thể làm để cho căn bệnh vô cảm "không còn đất sống" là hãy biết mở cửa trái tim để biết cảm nhận, biết yêu ghét, thương giận và chia sẻ những điều tinh túy đó cho những người xung quanh mình.
"Con người ta không phải là cái đồng hồ và trái tim ta cũng không phải là cái lò xo" - một giáo sư người Anh đã nói như thế. Tóm lại, ta nhận thấy rằng, căn bệnh vô cảm đang lan tràn ngày càng rộng lớn và trở nên vô cùng nguy hiểm, biến con người thành một cỗ máy vô tri chỉ biết vận động. Đừng để điều đó xảy ra mà hãy đấu tranh để giành lại phần "người", giành lại "trái tim" mà Thượng Đế, mà tạo hóa đã ban cho chúng ta! Hãy đào thải căn bệnh vô tình quái ác ra khỏi xã hội! ./.

                                            CẢM NHẬN RIÊNG 
         Khi con người bị dồn nén về một phía, lúc đó họ chia sẽ đùm bọc lấy nhau để sinh tồn. Khi cuộc sống đổi mới, tất yếu phát sinh nhiều phân đoạn để dẫn đến giai cấp, họ tranh nhau vượt lên để giành lại cái ích lợi nhất cho riêng mình. Tôi thiết nghĩ một cháu học sinh lớp chín đã có cái nhìn như thế, hẳn nhiên trong xã hội hiện nay cũng rất nhiều người cùng quan điểm. Nhưng để vượt qua nó thì điều đầu tiên là những buộc ràng phải được tháo gở, bởi cả hệ thống đang đè chết tư tưởng cùng chung chia sẽ ấy!
                                                    maitranghuynh 

18 nhận xét:

  1. Một học sinh lớp 9 mà đã có cảm nhận thật sâu sắc trước " căn bệnh vô cảm " đang ngày càng có xu hướng gia tăng trong xã hội . Thật ngưỡng mộ cô học sinh này anh MTH nhỉ .
    EMT chúc anh cùng gia đình luôn an vui .

    Trả lờiXóa
  2. Rất vui em đã ghé trang và đồng cảm. Xã hội cần được trẻ hóa cách nhìn cách nghĩ và cách sống. Hơn thế nữa là sống cho đẹp!

    Trả lờiXóa
  3. Xuất sắc quá đi à. Lớp 9 đây ư.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NGUỒN TỪ BLOG NGUYỆT ÁNH
      Những câu văn của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 trường trung học Chu Văn An, Hà Nội.
      ....

      Xóa
  4. Đọc bài văn nhớ tới kỳ mà mọi người hay dùng từ MAKENO_tức mặc kệ nó_ko ngờ ngày càng nhiều người như thế!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sống thì cứ sống và hãy tâm niệm rằng không phải ta chỉ sống cho chính ta các bạn ạ!

      Xóa
  5. Good Morning MTH ! Chuc buoi sang an vui !

    Trả lờiXóa
  6. Đọc xong, MC GIẬT mình bạn à.
    Đúng là "Con người ta không phải là cái đồng hồ và trái tim ta cũng không phải là cái lò xo"
    Cảm ơn bạn đã chia sẻ một bài văn hay (và cảm phục một em học sinh còn nhỏ tuổi mà đã có một cái nhìn sâu sắc về căn bệnh vô cảm của xã hội hiện nay)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sống thì cứ sống và hãy tâm niệm rằng không phải ta chỉ sống cho chính ta các bạn ạ!
      Rất vui các bạn đã vì bài văn của em Phan Hoàng Yến và vì...

      Xóa
  7. Càng ngày càng thấy sợ anh ạ. Ôi!!! Cuộc đời.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh sang nhà mấy bận không thấy em, có khỏe không?

      Xóa
  8. Em chỉ là một học sinh lớp 9 mà có những nhận xét sâu sắc làm người lớn chúng ta không khỏi giật mình, ngỡ ngàng! Ừ nhỉ, bấy lâu nay ta đã sống trong một xã hội không có tình người, với những hình ảnh, những sự việc không tưởng tượng được diễn ra chung quanh làm ta lo sợ, dần dần dẫn đến sự vô cảm... Ôi ngườ ta thành cổ máy biết thở rồi chăng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sống thì cứ sống và hãy tâm niệm rằng không phải ta chỉ sống cho chính ta các bạn ạ!
      Rất vui các bạn đã vì bài văn của em Phan Hoàng Yến và vì...

      Xóa
  9. Một cảm nhận rất sâu sắc anh nhỉ!
    Em Ninh'blog sang thăm, tối thứ năm chúc cả nhà vui.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi con người bị dồn nén về một phía, lúc đó họ chia sẽ đùm bọc lấy nhau để sinh tồn. Khi cuộc sống đổi mới, tất yếu phát sinh nhiều phân đoạn để dẫn đến giai cấp, họ tranh nhau vượt lên để giành lại cái ích lợi nhất cho riêng mình. Tôi thiết nghĩ một cháu học sinh lớp chín đã có cái nhìn như thế, hẳn nhiên trong xã hội hiện nay cũng rất nhiều cùng quan điểm. Nhưng để vượt qua nó thì điều đầu tiên là những buộc ràng phải được tháo gở, bởi cả hệ thống đang đè chết tư tưởng cùng chung chia sẽ ấy!
      Ninh'blog nghiên cứu giúp xem, có gì thì góp ý cho nhé. Vài hàng chia sẽ, thân ái!

      Xóa
  10. Đọc xong thấy giật mình sợ ...ghé thăm anh chúc anh buổi tối thật vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi không có bạn, tôi khổ_Bạn không có ai đó bạn khổ. Nên đùm bọc lẫn nhau...

      Xóa